0239 3854 141

Ngành Y tế Hà Tĩnh phát huy giá trị y đức, y thuật của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

26 tháng 12, 2024 bởi
Administrator
| Chưa có bình luận

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hương Yên nhưng phần lớn cuộc đời của ông lại gắn bó với vùng đất quê ngoại Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Là quê hương của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phổ biến, phát triển tinh hoa y học cổ truyền Việt Nam kết hợp với y học hiện đại. Bên cạnh đẩy mạnh việc kế thừa và nhân rộng các bài thuốc quý của Đại danh y, Hà Tĩnh đã quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, đặc biệt là việc phát huy giá trị y đức, y thuật của Đại danh y.

1. Phát huy giá trị y thuật của Đại danh y

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách, đề án đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phát triển y dược cổ truyền nói riêng; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 03/11/2011 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo” đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp: “Phát triển nền y, dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại; không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện YHCT tỉnh, phát triển khoa YHCT tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phát huy tốt vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã; khuyến khích bảo tồn và phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu quý; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình mới”. Đây là chủ trương, là tiền đề vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành Y tế Hà Tĩnh thời gian qua.

Đến nay, hệ thống khám, chữa bệnh y dược học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; tuyến tỉnh có Bệnh viện YHCT Hà Tĩnh là bệnh viện chuyên khoa hạng II với quy mô 160 giường bệnh; toàn tỉnh có 17 bệnh viện/TTYT có khoa YHCT; 79 phòng khám YHCT tư nhân, 10 phòng khám đa khoa tư nhân có khoa YHCT, 31 cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm YHCT tư nhân; tuyến xã có 168/216 trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh bằng YHCT, trong đó có 28 trạm y tế khám, chữa bệnh BHYT YHCT. Tổng số cán bộ y tế lĩnh vực khám, chữa bệnh YHCT là 1.172 người, trong đó có 15 bác sỹ chuyên khoa II, 76 thạc sĩ/bác sỹ chuyên khoa I, 174 bác sỹ, 514 hội viên Hội Đông y đảm bảo đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh về YHCT cho nhân dân.

Bệnh viện YHCT Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp về cơ sở hạng tầng và trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2024 bệnh viện có 13.154 lượt BN đến khám và 11.190 lượt BN điều trị nội trú. Bệnh viện Y học cổ truyền đã được Cục Quản lý Dược công bố đủ tiêu chuẩn chế biến, bào chế vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền theo quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BYT của Bộ Y tế. Kế thừa sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, Bệnh viện đã sử dụng hơn 150 vị thuốc, bào chế hàng chục bài thuốc, sản xuất được các loại thuốc dưới dạng viên hoàn mềm, trà túi lọc, thuốc bột, thuốc bột xông hơi,… Hợp tác với Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh trong việc nghiên cứu, bào chế và ứng dụng các sản phẩm mới trong điều trị bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não, liệt do các nguyên nhân, bệnh lý xương khớp, thần kinh ngoại vi. Nhiều bài thuốc cổ phương được sử dụng có hiệu quả như Lục vị, Bát vị, Bổ trung ích khí, Thiên ma câu đằng ẩm, Độc hoạt tang ký sinh,…

Hội Đông y Hà Tĩnh được thành lập năm 1958, chất lượng hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao; toàn tỉnh có 12/13 tổ chức hội đông y cấp huyện, 28 phòng chẩn trị YHCT, 105 tổ chẩn trị YHCT cấp xã phường với 60 bác sĩ YHCT, 111 y sĩ YHCT, 343 lương y, lương dược. Năm 2024 các phòng khám, phòng chẩn trị YHCT đã khám chữa bệnh cho 15.477 lượt người bệnh. Hội đã vận động hội viên sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý, phổ biến sử dụng trong nhân dân và đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như các bài thuốc: Ngân kiều tán gia giảm, Sài hỗ sơ can thang gia giảm, Tiêu giao thang gia giảm, Kinh phòng bại độc tán gia giảm. Đặc biệt, Phòng khám Tâm Nhân Đường do TTND-BSCKII Trần Xuân Dâng phụ trách đã dùng bài thuốc "Ngân kiều tán gia giảm" điều trị hiệu quả cho hơn 20.000 bệnh nhân COVID -19.

Trên địa bàn tỉnh có 13/13 địa phương cấp huyện xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng dược liệu với hơn 1.000 héc-ta để trồng các dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như Kim tiền thảo, Mộc hoa trắng, Sâm bố chính, Mã đề, Ích mẫu, Diệp hạ châu, Xạ can,; có 205/216 trạm y tế có vườn thuốc nam với chủng loại >40 cây thuốc để chữa bệnh thông thường theo quy định của Bộ Y tế.

Tại huyện Hương Sơn, quê ngoại của Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch “Chăm sóc sức khỏe gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa thế giới” thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; huyện đã đầu tư, phát triển các vườn dược liệu trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (nhà thờ, khu mộ và tượng đài); tái hiện không gian phòng khám chữa bệnh, chế biến thuốc, cắt thuốc, bốc thuốc; giới thiệu các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Hình thành một số cơ sở khám chữa bệnh đông y, cơ sở cung cấp dịch vụ kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn đã trở thành sự kiện văn hóa tâm linh hấp dẫn thu hút du khách vào dịp mùa xuân hằng năm.

2. Phát huy giá trị y đức của Đại danh y, xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông tại các cơ sở y tế trong tỉnh

Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, sự tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến đã có tác động sâu sắc tới đội ngũ cán bộ y tế. Di sản về y đức của Đại danh y không chỉ là di sản về y học mà còn là di sản về đạo đức, nhân cách, góp phần xây dựng một nền y học nhân văn, lấy bệnh nhân làm trung tâm đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ thầy thuốc.

Phát huy giá trị y đức của Đại danh y cùng với việc thực hiện tư tưởng y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua ngành Y tế Hà Tĩnh đã luôn “đoàn kết”, “thật thà”, “yêu thương người bệnh”, cụ thể hóa lời răn của Đại danh y và lời dạy của Bác Hồ thành những việc làm thiết thực, sáng tạo. Vận dụng và thực hiện tốt 04 nguyên lý cơ bản của y đức bao gồm: Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh, có lòng nhân ái; không gây tổn hại cho người bệnh; đảm bảo công bằng và 04 nguyên lý cơ bản của y nghiệp đó là: Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, rèn luyện tay nghề và trau dồi kiến thức, tự điều chỉnh bản thân, có trách nhiệm với xã hội.

Ngành đã thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân” gắn với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ y tế Hà Tĩnh theo các tiêu chí “ba xây, ba chống và ba biết”[1] và phát động thành phong trào thi đua. “Ba xây, ba chống và ba biết” đã trở thành “rường cột” cho công tác tư tưởng đối với các cơ sở y tế. Các tiêu chí này đã nhanh chóng được cán bộ, viên chức trong ngành hưởng ứng tích cực, trở thành giải pháp gốc rễ cho việc thực hiện y đức và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Gắn các tiêu chí cụ thể đó vào chương trình hành động của từng đơn vị, cá nhân, ngành Y tế Hà Tĩnh thực sự đã tạo được mối đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng và phát triển. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng “giỏi chuyên môn, giàu y đức”, gương “người tốt việt tốt”, những nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân được các báo, đài địa phương và trung ương có nhiều bài viết ca ngợi, đặc biệt là chuyên mục “Hoa đẹp núi Hồng” của Báo Hà Tĩnh. 05 năm gần đây đã có hơn 1.000 lượt cán bộ y tế hiến máu cứu sống người bệnh, trong đó có hàng chục người hiến máu từ 5 lần trở lên.

Song song với việc học tập, phát huy di sản y đức của Đại danh y, để thiết thực Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông tại các cơ sở y tế, bao gồm các nội dung dựng tượng Hải Thượng Lãn Ông tại vườn hoa trong khuôn viên cơ sở y tế; xây dựng phòng truyền thống/phòng lưu niệm bổ sung tượng, ảnh chân dung Hải Thượng Lãn Ông, trưng bày các tư liệu, trước tác, di sản, đồng thời thiết kế, in ấn, gắn bia 9 điều y huấn cách ngôn và các lời răn của Đại danh y. Không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông là sự tri ân những công lao, cống hiến to lớn, là nơi lưu giữ, lan tỏa giá trị di sản của Đại danh y, đồng thời là nơi giáo dục, bồi đắp truyền thống lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước. Mỗi một cán bộ nhân viên y tế khi đến dâng hương, tham quan, nghiên cứu tại không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông càng thấm nhuần y đức, y đạo, y thuật của Đại danh y, từ đó để vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn trong quá trình hành nghề. Hoạt động xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông đã được nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai gắn với việc xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp. Điển hình trong xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông là các đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, Trạm Y tế xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), Trạm Y tế xã Sơn Kim I (huyện Hương Sơn),…

Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y và lễ vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là sự ghi nhận đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới. Đó cũng là niềm tự hào để tỉnh Hà Tĩnh kế thừa di sản, phát huy giá trị tinh hoa, xây dựng thương hiệu y học cổ truyền, thể hiện sự tri ân đối với Đại danh y./.

B.S Nguyễn Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh


Tin tức tổng hợp
Đoạn mã động của bạn sẽ được hiển thị ở đây... Thông báo này được hiển thị vì bạn không cung cấp cả bộ lọc và mẫu để sử dụng.
Đăng nhập để viết bình luận